Đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh tập hợp danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(-) để chuẩn bị cho việc thành lập Câu lạc bộ Máu hiếm Cà Mau.

Tính đến nay Cà Mau có 26 người trong nhóm máu hiếm, trong đó nhóm máu O Rh (-) có 12 người, nhóm B Rh(-) có 06 người, nhóm A Rh(-) có 06 người, còn lại nhóm máu AB Rh(-) 02 người. Đa số người trong nhóm máu này sống rải rác ở các huyện và thành phố trong tỉnh.

“Rh” là một cách phân loại nhóm máu, cũng giống như hệ nhóm máu ABO. Hệ nhóm máu Rh có 2 nhóm máu là Rh(+) và Rh(-). Theo thống kê ở Việt Nam, nhóm Rh(+) chiếm tỷ lệ khoảng 99,96% trong khi nhóm máu Rh(-) chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,04% - 0,07% dân số; tức là cứ 10 ngàn người mới có 5 người mang nhóm máu Rh(-).

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh Cà Mau nói riêng, tỷ lệ người có nhóm máu mang kháng nguyên Rh(-) rất hiếm. Vì người thuộc nhóm máu Rh(-) rất ít nên Ngân hàng máu thường không có sẵn lượng máu Rh(-) dự trữ để điều trị cho những bệnh nhân có nhóm máu đặc biệt này. Chính vì vậy, tính mạng của những người mang nhóm máu này rất dễ lâm vào tình trạng nguy cấp.

Anh Ngô Hùng công tác tại Trung tâm Dịch vụ Tài chính công tỉnh Cà Mau tham gia hiến máu

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị kịp thời cho bệnh nhân có nhóm máu Rh(-), Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh, Hội CTĐ tỉnh Cà Mau chỉ đạo thành lập CLB nhóm máu hiếm tại tỉnh Cà Mau. Mặc dù chưa chính thức ra mắt nhưng các bạn trong nhóm thường xuyên liên hệ và tham gia hiến máu tại các đợt hiến máu do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức. Hiện nay, các thành viên của nhóm đều đã hiến máu, người hiến ít nhất cũng 03 lần. Bạn Ngô Hùng công tác tại Trung tâm Dịch vụ Tài chính công tỉnh Cà Mau là một điển hình. Có lần tôi gặp bạn Hùng tham gia hiến máu tại huyện U Minh, mới biết lúc đó bạn đủ điều kiện hiến máu mà tại thành phố Cà Mau chưa có đợt nên Hùng quyết định vào U Minh để hiến máu. Hùng chia sẻ: “Hiểu được mình thuộc trong nhóm máu hiếm nên giọt máu của mình cho đi là vô cùng quan trọng để cứu người, nên tôi tham gia hiến máu khi đủ thời gian quy định. Đến nay tôi đã hiến được 17 lần và tôi sẽ tiếp tục hiến máu khi mình còn sức khỏe”.

Trong Câu lạc bộ “dự bị” này còn có bạn Quách Thảo Sương sinh năm 1998, sinh hoạt tại CLB HMTN Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương – Cà Mau là người có thâm niên hiến máu đến 14 lần. Thảo Sương tâm sự:“Nhờ tham gia hiến máu mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm Rh(-), hiện nay còn trẻ, sức khỏe tốt nên mong muốn tiếp tục hiến máu cứu người, đó cũng là cơ hội để cứu sống mình nếu chẳng may có sự cố cần truyền máu”.

Đặc điểm của nhóm máu Rh(-) là có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh(+) hoặc Rh(-) nhưng chỉ nhận được người có nhóm máu Rh(-). Nếu người mang nhóm máu Rh(-) không được truyền đúng nhóm máu có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm. Do vậy việc thành lập và đưa CLB "Nhóm máu hiếm" vào hoạt động là điều vô cùng quan trọng, qua đó giúp các Bệnh viện bổ sung vào lượng máu cần thiết, Hội Chữ thập đỏ là đầu mối liên hệ với nguồn hiến tặng khi bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp. Những người có nhóm máu hiếm tham gia vào CLB "Nhóm máu hiếm" là điều rất cần thiết để trợ giúp các thành viên khác, đó cũng là cách giúp chính mình./.

Tiến Sơn