Ảnh minh họa về tin tức sai sự thật trên không gian mạng.

Để phòng, chống căn bệnh trên, chúng ta cần đi trước, đón đầu, kiểm soát được các xu hướng với nội dung tiêu cực, xấu độc - dập tắt khi nhen nhóm, mạnh tay răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm, lành mạnh hóa không gian mạng, lấy lại nét đẹp văn hóa ứng xử nền tảng số của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhìn lại Việt Nam 10 năm trở lại đây, các nền tảng mạng xã hội phát triển như cơn lốc, hàng năm số người sử dụng ngày càng tăng. Mạng xã hội đã chi phối mạnh mẽ đời sống người dân với nhiều tiện ích, tính năng vượt trội, thuận tiện cho người sử dụng, tiết kiệm được nhiều chi phí, bên cạnh đó còn có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau được tính bằng sự tương tác với số lượng người theo dõi (follow), xem (view), thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share)... Càng nhiều lượt tương tác thì càng lên xu hướng, càng thịnh hành , nổi tiếng, càng có cơ hội kiếm tiền, từ việc quảng cáo bán hàng online, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến nhận tiền từ các khách hàng quảng cáo, từ chủ sở hữu các trang mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Twitter, YouTube, Tiktok... Khi tạo được vị thế có tiếng nói trên mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ người sử dụng có xu hướng ảo tưởng quyền lực, ngông cuồng trong phát ngôn, đăng tải nội dung, hình ảnh, clip hay livestream trực tiếp để phản ánh thông tin mà không hề chú ý đến tác hại của việc mình làm. Bên cạnh đó, những bình luận khiếm nhã, tiêu cực, chửi bới, cổ xúy cho những nội dung xấu lại nhiều vô kể, họ như thể tường tận gốc rễ vấn đề, như những nhà thám tử chuyên nghiệp, như tường tận các biện pháp chuyên môn, tinh tường mọi lĩnh vực, như đại diện các cơ quan chức năng có thẩm quyền dùng những giọng điệu cảm tính chủ quan để hùa theo những thông tin không chính thống, chưa xác định được nguồn gốc, kết luận vô tội vạ làm ngộ độc, nhiễu loạn thông tin trên nền tảng số.                                                                        

Sức hấp dẫn, độ nóng, sự thịnh hành, xu hướng thời thượng các nền tảng mạng xã hội đã tạo nên quyền lực mềm sau các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí. Thậm chí, có những thời điểm, những vụ việc, mạng xã hội còn chứng tỏ sự vượt trội về hiệu quả lan truyền thông tin khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết. Không những thế, mạng xã hội cũng gây ra không ít hệ lụy, bởi sự ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc, mà nguy hiểm hơn là những nội dung thông tin, hình ảnh không lành mạnh đã tác động xấu đến giới trẻ. Lợi dụng lỗ hổng trong quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, tận dụng triệt để tiện ích công nghệ số, các thế lực thù địch tấn công tinh vi hơn, với tần suất và quy mô rộng khắp trên môi trường số bằng các chiến dịch tuyên truyền với thông tin thất thiệt, tư tưởng phản động. Thực tế trên, đòi hỏi sự quyết liệt trong công tác kiểm soát thông tin, lành mạnh hóa mạng xã hội. Để phòng, chống căn bệnh này cần đồng lòng, đoàn kết giữa Đảng và dân, là yếu tố quan trọng, mỗi người trong chúng ta cần chung tay đẩy lùi vấn nạn thông tin xấu độc. Ai cũng có quyền được tự do ngôn luận, nhưng quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ, người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử trên không gian mạng, không được lạm dụng quyền để gây ra hậu quả với cá nhân, tổ chức, Đảng và Nhà Nước. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc thiếu những giải pháp đấu tranh cứng rắn, hữu hiệu sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường.

Thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng điểm yếu trên của ta, liên tục lợi dụng đánh vào chỗ hiểm, đẩy thông tin xấu độc lên đỉnh điểm để chia rẽ dân với Đảng. Chính vì vậy, công tác phòng chống căn bệnh loạn ngôn, lộng quyền có vai trò quan trọng trong công tác giữ vững trận địa hệ tư tưởng của Đảng. Vì lẽ đó, chúng ta cần:

* Một là: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng về:

- Văn hóa ứng xử trên không gian mạng dựa trên: "Quy tắc tôn trọng, quy tắc tuân thủ pháp luật, quy tắc lành mạnh, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin, quy tắc trách nhiệm"- theo Điều 3, Chương II của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Khuyến cáo những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích: "Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."- theo Mục 1, Điều 5, Chương I của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ.

Ảnh minh họa người dùng hành động với thông tin không chính thống.

* Hai là: Tăng cường hoạt động quản lý đối với các trang mạng xã hội (đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới) bằng cách:

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp trước sự phát triển của mạng xã hội trong tình hình mới.

- Chuẩn hóa thông tin tài khoản mạng xã hội một cách đồng bộ để tạo điều kiện cho cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn, định danh cụ thể mới định tội khi vi phạm tránh trường hợp xóa bỏ chứng cứ…

- Rà soát, loại bỏ, xử lý đúng pháp luật đối với các nhà mạng, cơ quan chủ quản báo chí… các cá nhân cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, chống phá.

* Ba là: Xây dựng đội ngũ, lực lượng chuyên trách kiểm soát và xử lý các sai phạm trên không gian mạng, đồng thời hiện đại hóa về phương tiện kỹ thuật, hạ tầng công nghệ.

* Bốn là: Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các trang báo chính thống, tạo sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông, nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng để thông tin đúng, tích cực luôn đi đầu, tạo nên xu hướng, nâng cao lòng tin của dân, tránh tình trạng thông tin chính thống luôn đi sau thông tin xấu độc, không tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch dựa vào đó để chống phá, chèo chống dư luận, kích động nhân dân bình luận, chia sẻ, mắc bẫy kẻ thù, gây mất đoàn kết giữa dân và Đảng.

* Năm là: Thắt chặt quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm:

- Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.

- Kịp thời uốn nắn, phê bình khi có biểu hiện lệch chuẩn khi sử dụng mạng xã hội.

Kết luận:

"Căn bệnh" loạn ngôn, lộng quyền trên mạng xã hội thời gian gần đây đã được Đảng và Nhà nước ta “chẩn đoán” và "chữa trị" với nhiều biện pháp, xử lý theo pháp luật bằng nhiều hình phạt mang tính răn đe. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mạnh tay nâng liều thuốc này, để dứt điểm được căn bệnh, có như vậy, mọi người mới nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia sử dụng mạng xã hội, loại trừ được những tài khoản phát ngôn không căn cứ, không nghĩ đến hậu quả, không tôn trọng quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội trên nền tảng số, đẩy lùi được những nội dung xấu độc, tiêu diệt được những mầm mống tiêu cực, thanh lọc và đẩy mạnh những hình ảnh tích cực, lành mạnh hóa không gian mạng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ gìn sự ổn định, để phát triển đất nước./.

LG