Trong buổi sinh hoạt chi bộ hôm nay, được sự phân công của chi bộ tôi xin kể một câu chuyện ngắn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để chúng ta cùng tìm hiểu và học tập.

Bác Hồ là tấm gương sáng cho chúng ta học tập

Mẫu chuyện: Ba chiếc ba lô

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:

- Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.

Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:

- Các chú đã chia đều rồi chứ? Hai đồng chí trả lời:

- Thưa Bác, rồi ạ.

Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.

- Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?

Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

- Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.

Bài học kinh nghiệm:

Lúc nào cũng vậy, Bác không muốn mình làm quan mà chỉ muốn làm đầy tớ của nhân dân, Bác luôn muốn mình được bình đẳng như bao người xung quanh. Cả cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà luôn ân cần quan tâm đến những điều nhỏ nhoi, bình dị nhất của mọi người, trong đó có các cán bộ, chiến sĩ. Bác từng tâm sự: “Một cán bộ muốn có uy thì rất dễ tạo ra nhưng muốn có tín thì rất khó xây dựng”.

Thông qua câu chuyện ngắn Ba chiếc ba lô, bản thân rút ra được bài học là:

Trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc mà mình đang làm cần phải biết chia sẻ cùng nhau, mỗi người làm một việc, cùng nhau lao động, cùng nhau gánh vác. Đừng ỷ lại hoặc dựa vào vị thế, quyền thế mà đối xử phân biệt, gây khó khăn cho mọi người. Cần phải chú ý đến tính bình đẳng, sự hài hòa, trong đó chú trọng tinh thần “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Sống và làm việc phải công bằng mới khiến lòng người khâm phục và nể trọng.

Câu chuyện Ba chiếc ba lô là một bài học quý báu về tinh thần hăng hái, tự giác trong lao động, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, không nên tìm cách thoái thác, tránh né. Người có vị trí, chức vụ càng cao thì càng phải thể hiện sức lao động tốt hơn, có hiệu quả hơn, có tác động rộng lớn hơn, không chỉ để tương xứng với vị trí, nhiệm vụ của mình mà còn để làm gương cho mọi người noi theo. Đây là một bài học quý báu của Bác mà mỗi chúng ta cần luôn ghi nhớ và học tập.

 

                                                                                                                   Thực hiện tại cuộc họp chi bộ

                                                                                                   Huỳnh Văn Giang