Đồng chí Lưu Quốc Sĩ, kể câu chuyện học tập phong cách làm việc của Bác

Đồng chí Lưu Quốc Sĩ, kể câu chuyện học tập về phong cách làm việc của Bác

Với nhiều khía cạnh đa dạng, phong phú của cuộc sống, trong mỗi giai đoạn, chúng ta có thể chọn học Bác, làm theo Bác ở từng giá trị gắn với công việc, cuộc sống của mình. Ở câu chuyện này cũng giống như một bài luyện tập mà bản thân chúng ta có thể chọn cho mình để nỗ lực rèn luyện hàng ngày - câu chuyện được đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945 đến năm 1947 kể lại:[1]

Bác thường hay gọi đồng chí Lưu vào cùng với Bác bàn bạc và viết những bài trả lời các nhà báo hoặc vô tuyến truyền hình đến phỏng vấn. Đầu tiên, Bác nêu từng vấn đề xem đồng chí giải đáp ra sao, rồi Bác thêm ý kiến và sửa lại. Qua những lần được làm việc với Bác như vậy, hiểu biết về mọi mặt được nâng lên rất nhiều. Những hôm đó, tối về nhà, đồng chí Lưu ôn lại quá trình làm việc với Bác, suy nghĩ lại những ý kiến và lời văn Bác đã uốn nắn, sửa chữa cho mình, tự rút ra những kinh nghiệm cho cách suy nghĩ và cách làm việc, tốt hơn.

Dần dần như vậy, qua một sự kiểm tra rất chặt chẽ mà sau này đồng chí Lưu mới nhận ra, Bác giao cho đồng chí tự viết ra trước, rồi Bác xem lại và sửa. Đến giai đoạn này, đồng chí mới chú ý đến một tác phong rất nghiêm khắc của Bác, đó là yêu cầu chính xác về đánh máy, từng dấu chấm, phẩy, từng câu, yêu cầu đẹp mắt về bố trí trang đánh máy, cách trình bày công hàm hay văn kiện. Đồng chí Lưu vẫn nhớ như in những băn khoăn, dằn vặt khi ngồi trước mặt Bác, thấy Bác trước khi ký văn bản, phải thêm vào một vài dấu chấm, phẩy còn thiếu hay sửa lại một vài lỗi đánh máy mà hôm đó vì đọc vội nên đồng chí để sót. Bác ký xong đưa cho đồng chí Lưu và bảo:Hôm nay chú đọc lại không được kỹ lắm?”. Nét mặt Bác vẫn hiền hậu và thân mật.

Qua những lần được Bác chỉ bảo, đồng chí Lưu đã luyện thêm được tác phong cẩn thận, nghiêm khắc đối với công việc. Sau một thời gian được Bác dìu dắt trong công tác, từng bước đồng chí Lưu đã trưởng thành lên rất nhiều. Có lần Bác giao cho đồng chí viết một công hàm, theo cách đặc biệt mới: Bác nêu yêu cầu, rồi Bác bảo đồng chí đưa giấy có tiêu đề, Bác ký trước vào cuối trang, trao lại cho đồng chí làm và gửi thẳng đi không cần đưa Bác xem nữa.

Câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng có nhiều điều để chúng ta suy nghĩ, rút ra bài học cho bản thân:

- Trước tiên hết là kỹ năng nắm bắt được phong cách của lãnh đạo để tham mưu các văn bản: Đối với một người mới trong công việc như bản thân tôi, đây là bài học quan trọng và sẽ cần nhiều thời gian để có thể tiến bộ.

- Thứ hai, là kỹ năng viết: Thực tế rất khó có một người vừa viết hay vừa nói giỏi, nếu viết hay thường khi nói lại bị run, nếu nói hay thường lại viết không giỏi. Chính vì vậy, trong suốt quá trình công tác, chúng ta luôn phải đọc nhiều hơn, nghe nhiều hơn, viết nhiều hơn để cải thiện cả hai kỹ năng viết và nói của mình thay vì tập trung vào việc bản thân mình “đã hay chưa?”, “đã giỏi chưa?”.

- Thứ ba, là tuân thủ các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản: So với thời điểm trong câu chuyện, hiện nay điều kiện để có được một văn bản đẹp về hình thức là rất dễ. Soạn thảo văn bản trên máy có thể chỉnh sửa nhanh chóng không như trước kia viết tay, sử dụng máy đánh chữ nếu sửa nhiều chỉ có thể viết lại hay đánh máy lại từ đầu. Các quy định, hướng dẫn cũng rất rõ ràng và dễ dàng tìm kiếm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta giữ làm theo thói quen, “save as” lại để tiết kiệm thời gian và tập trung vào nội dung chuyên môn mà bỏ quên các quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày. Trong Hướng Dẫn 36-HD/VPTW ngày 03/4/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản của Đảng có quy định “Cán bộ, nhân viên được giao soạn thảo văn bản có trách nhiệm thực hiện đúng hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản”. Và từ rất lâu, Bác luôn quan tâm đến từng chi tiết như: Bố trí trang đánh máy, cách trình bày công hàm. Học Bác ở đây không phải chỉ chọn những điều lớn lao hay quá khó, học Bác là dành vài phút trên mỗi văn bản mình soạn thảo để làm cho nó chỉnh chu hơn về hình thức.

- Thứ tư, là phong cách làm việc luôn đổi mới:  Đó là một phong cách không cố chấp, bảo thủ, luôn đổi mới. Người đã từng nói: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức khơi gợi, kích thích sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta. Thực tế, khi dự thảo các văn bản, chúng ta thường dựa vào các văn bản cũ đã được duyệt để làm theo. Đây là tư tưởng máy móc, không chịu đổi mới để thích ứng. Học ở phong cách của Người là luôn luôn đổi mới, không chấp nhận tư duy “lối mòn”, kinh nghiệm chủ nghĩa, mà phải luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn. Đó cũng là phong cách mà thời đại ngày nay đang đòi hỏi. Sau khi có được sự chỉnh chu cả về nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày sẽ có được sự tin cậy từ phía lãnh đạo như trong câu chuyện “Bác đã ký trước vào cuối trang, trao lại cho đồng chí Lưu”.

- Cuối cùng, là phong cách góp ý và tiếp thu các ý kiến góp ý: Trong câu chuyện, khi góp ý đồng chí Lưu “nét mặt Bác vẫn hiền hậu và thân mật”, điều đó khiến người nhận được sự góp ý cảm nhận được sự chân thành, tính đóng góp của người đối diện. Và người nhận được các ý kiến đóng góp cũng cần xây dựng cho mình một tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, biết tự soi lại mình để ngày một hoàn thiện hơn. Sẽ có những lúc bản thân là người góp ý, có lúc là người nhận những ý kiến góp ý nên chỉ với một chi tiết nhỏ trong câu chuyện cũng là một bài học quan trọng để hình thành nên tác phong của cá nhân trong công việc và cuộc sống./.

 

[1] Trích từ Những mẩu chuyện kể về phong cách Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2016.

Quốc Sĩ.